Diễn biến Ký giả đi ăn mày

Sáng 10-10-1974, một nguồn tin cho biết, chính quyền Sài Gòn sẽ "không đàn áp bằng vũ lực, không giải tán nhưng cũng không cho ký giả xuống đường đi ăn mày". Thực sự, chính quyền đã bố trí một lực lượng binh lính, mật thám, xe Jeep... để đàn áp.

Đúng 8 giờ sáng, Nguyễn Kiên Giang thay mặt Ban tổ chức đọc bản tuyên bố "Báo chí phải đi ăn mày vì Luật 007 của Tổng thống Thiệu".

Sau khi lệnh xuất phát được ban ra, đoàn người bắt đầu tìm cách phá hàng rào bao vây của cảnh sát, vì thế đã xảy ra xô xát. Trước quảng trường bao quanh Câu lạc bộ báo chí, cảnh sát tổ chức một hàng rào mạnh chặn ngang đường Lê Lợi, nhằm ngăn cản đoàn biểu tình đi theo lộ trình đã được vạch sẵn từ trước: xuống chợ Bến Thành, vòng công trường Quách Thị Trang rồi trở về quảng trường trước trụ sở Hạ viện (nay là Nhà hát Thành phố). Nhưng cuối cùng đoàn người biểu tình đã phá vỡ hàng rào cảnh sát, kéo nhau đi. Đi đầu đoàn biểu tình là Ban tổ chức với biểu ngữ: "10-10-1974, ngày báo chí đi ăn mày". Cùng với đoàn ký giả đi ăn mày còn có các khẩu hiệu khác: "Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức". "Tự do ngôn luận, tự do báo chí", "Đả đảo Luật 007", "Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày", v.v... Hai bên đoàn biểu tình là Biệt đoàn ký giả nhân dân tự vệ, có nhiệm vụ chống đỡ cho đoàn ký giả nếu xảy ra đàn áp.

Trong ngày 10/10/1974, đoàn ký giả đã hoàn thành lộ trình định sẵn, kết thúc thành công cuộc xuống đường biểu tình. Sau khi giải tán, một số nhà báo và dân biểu lui về trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt - đầu đường Lê Lợi, đối diện với trụ sở Hạ nghị viện để canh giữ quà biếu nhận đường từ quần chúng. Tại đây đã diễn ra một cuộc đàn áp của cảnh sát, trực tiếp chỉ huy là Giám đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn. Nhiều người bị đánh đập bằng dùi cui, trong đó nặng nhất là dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng.

Đoàn biểu tình đặt ông Dũng lên băng ca, khiêng đến đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để "nằm vạ đòi công lý", nhưng giữa đường bị cảnh sát chặn lại, đàn áp bằng vũ lực, cuối cùng phải quay trở lại Hạ viện.